Các phiên bản Zenit (dòng tên lửa đẩy)

Zenit-2

Bài chi tiết: Zenit-2

Tên lửa Zenit-2 là thành viên đầu tiên của dòng tên lửa Zenit, bao gồm hai tầng đẩy. Tầng I sử dụng động cơ RD-171, tầng II sử dụng động cơ RD-120. Tên lửa bay lần đầu vào ngày 13/4/1985, mang theo tải trọng mô phỏng vệ tinh Tselina-2. Tuy nhiên chuyến bay thử nghiệm đã không thành công. Lần phóng thành công đầu tiên xảy ra vào ngày 22 tháng 10 năm 1985.

Tầng đẩy phụ cho tên lửa Energia

Bài chi tiết: Energia

Tầng I của tên lửa Zenit được sử dụng làm tầng tên lửa đẩy phụ trợ cho tên lửa đẩy Energia.[10] Theo đó bốn tầng đẩy I của tên lửa Zenit sẽ được kết nối thành cụm và kết nối với tên lửa chính nhằm sản sinh ra lực đẩy bổ sung trong giai đoạn đầu của quá trình phóng tên lửa, giống như tầng đẩy bổ trợ của tên lửa đẩy tàu con thoi của Mỹ. Energia chỉ thực hiện được hai lần phóng (1987 và 1988) trước khi chương trình bị hủy bỏ.

Zenit 2M và 2SLB

Bài chi tiết: Zenit-2M

Zenit 2M là phiên bản cải tiến của Zenit 2 trong đó có cải tiến hệ thống điều khiển, và hiện đại hóa động cơ.[11] Tên lửa Zenit 2M phóng lần đầu vào ngày 29/6/2007, mang theo vệ tinh quân sự tuyệt mật Tselina-2 của Nga. Zenit-2SLB là định danh tên lửa sử dụng cho mục đích phóng vệ tinh thương mại thông qua công ty con Land Launch của công ty Sea Launch, bắt đầu tham gia phóng vệ tinh thương mại từ Baikonur vào năm 2008.[3]

Zenit-3SL

Bài chi tiết: Zenit-3SL

Zenit-3SL là tên lửa 3 tầng, được phát triển và sử dụng bởi tập đoàn Sea Launch.

Nó bao gồm:[12]

  • Tên lửa đẩy 2 tầng Zenit-2S chế tạo bởi Viện thiết kế Yuzhnoye/Nhà máy cơ khí Yuzhmash của Ukraine.
  • Tầng đẩy Block DM-SL mang theo tải trọng, được cung cấp bởi Tập đoàn tên lửa vũ trụ Energia.
  • Phần nón côn để bảo vệ tải trọng trong quá trình phóng tên lửa, được cung cấp bởi Boeing.

Tên lửa được lắp ráp tại Long Beach, California. Các vụ phóng diễn ra từ bệ phóng Ocean Odyssey, nằm ở vùng biển xích đạo. Ocean Odyssey cũng được sử dụng để vận chuyển tên lửa đến bãi phóng. Lần phóng Zenit-3SL gần đây nhất xảy ra vào ngày 11 tháng 12 năm 2015. Tầng đẩy I của Zenit-3SL sử dụng động cơ RD-171, và phần lớn hệ thống điều khiển của tên lửa được chế tạo tại Nga.[13] Tuy nhiên, theo cùng một nguồn tin, không rõ liệu các nhà cung cấp linh kiện của Nga có còn hợp tác với Yuzhmash hay không.

Zenit 3M và 3SLB

Bài chi tiết: Zenit-3SLB

Tên lửa Zenit-3M là tên lửa Zenit-2M được lắp thêm tầng đẩy mang tải trọng Block-DM của tên lửa Zenit-3SL. Tên lửa được phóng từ Baikonur. Chuyến bay đầu tiên được thực hiện vào ngày 28 tháng 4 năm 2008. Land Launch tiếp thị thương mại Zenit-3M dưới tên gọi Zenit 3SLB.[3]

Zenit-3F

Bài chi tiết: Zenit-3F

Tên lửa Zenit-3F, còn gọi là Zenit-2SB/Fregat, là phiên bản tên lửa 3 tầng dẫn xuất từ Zenit-2M, sử dụng tầng đẩy Fregat mang tải trọng, cũng đã từng được sử dụng trên tên lửa Soyuz, để đưa tàu vũ trụ lên quỹ đạo cao hơn. Nó đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào tháng 1 năm 2011, với tàu vũ trụ Elektro-L No.1 cho chính phủ Nga. Cùng năm đó, nó thực hiện đưa kính thiên văn Spektr-R, có khối lượng 5.000 kilôgam (11.000 lb) lên quỹ đạo với cận điểm quỹ đạo là 10.000 kilômét (6.200 dặm) và viễn điểm quỹ đạo 390.000 kilômét (240.000 dặm).[14] Lần phóng gần đây nhất xảy ra vào ngày 26 tháng 12 năm 2017 từ Sân bay vũ trụ Baikonur khi tên lửa mang theo vệ tinh Angosat 1 của Angola.[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Zenit (dòng tên lửa đẩy) http://www.buran-energia.com/energia/zenith-zenit-... http://www.nasaspaceflight.com/2013/02/sea-launch-... http://www.parabolicarc.com/2015/02/06/russia-seve... http://www.pravdareport.com/business/138261-ukrain... http://www.russianspaceweb.com/zenit-angosat-launc... http://www.satnews.com/story.php?number=1637484549 http://www.sea-launch.com/news_releases/nr_070903.... http://www.spaceflightnow.com/news/n0706/29zenit/ http://www.yuzhnoye.com/index.php?idD=48&id=124&pa... http://www.boris-lux.de/04_types/61_lv/sp_ru/14_ze...